You need Java to see this applet.
Phuong Tien Thong Tin Cua Than Huu Ti Nan Viet Nam sau ngay 14-3-1989 tai Thai Lan

Lòng nhân từ của những người tỵ nạn
( Tac gia.PST 3249 WDC Arpil, 2010)

Như một quy ước ngầm, gia đình tôi không bao giờ ra trung tâm Eden  trong các ngày cuối tuần, trừ những ngày đặc biệt
như chào cờ đầu năm, ngày Quốc hận 30 tháng 4, ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH  19/6, và một vài dịp lễ hội đặc biệt khác.
Trung tâm Eden là một trung tâm thương mại, do người Do Thái làm chủ. Tọa lạc ngay tại khu Ngã 7 thuộc thành phố
Fallschurch của tiểu bang Virginia.
Điểm đặc biệt là tại nơi đây, tập trung hoàn toàn các cơ sở kinh doanh của người Việt. Có thể nói Eden là một Sàigòn
thu nhỏ.    Đó là sự suy nghĩ của cá nhân tôi!  Ở đây, bạn có thể thưởng thức đầy đủ các món ăn quê hương ba miền Bắc –
Trung  -     Nam, và mua sắm tất cả các loại thực phẩm Việt Nam.
Điều quí nhất, là tại trung tâm này có hai cột cờ Mỹ – Việt vươn cao, cờ được treo suốt năm. Ngày cũng như đêm, trơ gan
cùng tuế nguyệt, làm bồi hồi những người Việt tha hương, khi nhìn lên ngọn Quốc kỳ và hoài niệm về những gì đã qua.
Lòng chạnh nhớ về quê hương.
Ở  đây, Vào những dịp lễ đặc biệt có các buổi chào cờ rất trang trọng. Có thể nói, chỉ cần nhìn vào cung cách người đến ăn
uống, mua sắm, bạn có thể biết được họ là cư dân trong vùng hoặc là du khách từ các tiểu bang khác đến tham quan.

Khi nói ra điều này, đã có người hỏi tôi. Làm sao biết được người từ phương xa tới hay là cư dân địa phương?
Tôi trả lời. Nếu thấy ai tay cầm máy chụp hình đi lòng vòng chụp cảnh Eden center. Đặc biệt là đang tìm góc độ để chụp
những tấm ảnh toàn cảnh của cột cờ, thì bạn có thể kết luận họ là những khách du lịch hoặc những người vãng lai từ
phương xa đến, chụp hình làm kỷ niệm, bởi cư dân tại địa phương, những người muốn chụp hình  khu Eden, hoặc chụp toàn
cảnh cột cờ họ đã chụp từ lâu rồi.  
Nơi đây, cũng là nơi hò hẹn bạn bè thân hữu, họ gặp nhau tại các tiệm ăn, các quán cà phê, cũng có khi họ mời khách
đến các nhà hàng tại trung tâm này. Trước là vì nghệ thuật ẩm thực, sau là gợi nhớ quê hương, hoặc để so sánh các món ăn
ở nơi đây với các nhà hàng nơi các vùng khác có người việt sinh sống. Có cả những đầu bếp, những chủ nhà hàng ở nơi
khác về đây ăn để học lóm cách bài trí món ăn, cách nấu những món nổi tiếng của nhà hàng nào đó, sau đó luôn thể mua
sắm hàng lưu niệm.
Quay trở lại việc gia đình chúng tôi quy ước ngầm không ra trung tâm này vào các ngày cuối tuần, không chỉ là vào
các ngày này khó tìm chỗ đậu xe, mà chúng tôi muốn nhường chỗ đậu xe cho những người khách từ phương xa tới cho họ
được thuận lợi để tham quan, hay mua bán. Phần chúng tôi, tuy tất bật với sự nghiệt ngã của thời gian nhưng từ nơi tôi ở
chỉ chừng mười phút lái xe là đến Eden, nên chúng tôi có thể mua bán vào những  buổi chiều ngày thường sau khi đi làm
về.  
Vợ tôi, lúc đầu khi nghe tôi gợi ý là không nên ra khu Eden trong các ngày cuối tuần với lý do nhường chỗ  đậu xe cho những
người khác, vợ tôi nói:  
- Anh điên à! Ai tìm được chỗ thì đậu, ai không tìm được thì chờ. Những ngày cuối tuần mới đông, mới vui chứ!

Tôi mỉm cười và kể cho cô nghe câu chuyện một gia đình người việt từ tiểu bang Ohio,  về  thăm quan trung tâm thương
mại này. Họ lái xe mất 8 tiếng đồng hồ, nhưng khi đến nơi không tìm ra chỗ đậu xe. Đành phải chạy lòng vòng hơn mấy giờ
đồng hồ nữa vẫn không tìm ra được chỗ đậu, họ đành quay xe ra về. Nghe xong câu chuyện ,vợ tôi đã đồng ý và quyết định
gia đình chúng tôi không ra trung tâm này vào những ngày cuối tuần nữa. Trừ những trường hợp đặc biệt.    

                        ….///….///….///….           

Đang trong văn phòng, công việc vào lúc cuối ngày cũng không bận rộn lắm, đầu óc đang suy nghĩ vẩn vơ thì chuông điện
thoại reo. Tôi lầm bầm, gần giơ về rồi mà còn khách nữa sao?. Vốn dĩ tánh tôi hay như vậy, thà việc đến từ sớm, chứ gần
đến giờ về rồi mà khách hàng còn gọi thì thế nào tôi cũng mè nheo, nói này nói nọ, dù cuối cùng cũng phải làm.
Không phải cuộc gọi từ khách hàng, mà từ đầu dây bên kia, tiếng vợ tôi hỏi:
- Chiều nay anh có về sớm không?   
-Tôi trả lời:     
- Chưa biết, giờ này không còn việc, chỉ sợ lát nữa việc đến bất tử. Vợ tôi báo rằng, chiều nay bà nội đi dự sinh nhật người
bạn cao niên. Em chỉ nấu cơm thôi, em muốn anh đưa em ra Eden center mua ít đồ ăn nấu sẵn, và mua ít đồ để dành cho
tuần tới, anh về sớm thì nhớ đón em nhé!        
Lệnh bà xã thì khó mà cưỡng lại, ít ra thì mình cũng là người đàn ông có trách nhiệm với mái ấm gia đình chứ!. Sắp xếp
công việc xong thì cũng vừa giờ tan sở, tôi vội lái xe  về nhà đón vợ đi  chợ.
Một cái thú vui - buồn lẫn lộn, khi chở vợ đi chợ hoặc đi shopping, với những cái cau mày nũng nịu của nàng, hay tiếng thở
dài của cái kiếp đàn ông trên xứ Mỹ!.
Hai vợ chồng đi vào hướng siêu thị Sàigòn. Tôi trông thấy người thanh niên lệ khệ hai tay xách hai túi xách nặng.
Chẳng biết gặp ở đâu? Bao giờ? nhưng trông rất quen. Đi ngang qua mặt người thanh niên, vẫn chưa nhớ ra là đã gặp anh ta
ở đâu! Ngoái cổ lại để nhìn cho rõ, tôi thấy anh chàng cũng đang ngoái cổ nhìn mình. Tôi dừng lại lên tiếng hỏi:  
- Tớ không nhớ gặp cậu ở đâu, nhưng nhìn rất quen.
Anh ta đáp lại rằng:  
- Em cũng vậy, nhìn anh quen lắm!  Anh có từng sống ở trại sikiew Thailand không?
Tôi chợt nhớ ra, và hỏi cậu ta:  
-  Có phải cậu là người bán hàng ở chợ Sikiew không?  
Anh ta trả lời:  
- Em tên L. bán hàng ở chợ sikiew nè!   
Sau khi giới thiệu vợ tôi với L, chúng tôi nói chuyện và hỏi thăm nhau như là hai ngươi bạn lâu ngày không gặp. Thấy L đi
một mình tôi hỏi:
- Bà xã đâu mà cậu đi một mình?  L trả̉ lời:
- Vợ em đi làm, chiều tối mới về. Làm Nail phải chịu khó làm sau giờ tan tầm mới có khách anh ạ. Em vẫn thường đi chợ vào
mỗi thứ sáu, vì ngày cuối tuần khó tìm chỗ đậu xe lắm. Em ở không xa nên nhường chỗ đậu xe cuối tuần cho người ở nơi xa
đến.
Tôi hỏi, vợ cũng là người Sikiew hả? L  trả lời.
- Đúng rồi, vợ em ở nhà khu C, chắc anh biết vợ em.
- Không rõ tôi có biết không, nhưng nếu gặp mặt thì chắc nhớ ra không khó.
L nói tiếp :
-   Vợ em trước là vợ thằng B, làm trên bệnh viện đó. Anh còn nhớ ra thằng B không?
Tôi gật đầu và nói nhớ. Lòng chùng xuống vì những câu nói rất thật, hay là sự vô tình theo bản chất của mỗi con người.  L
nói tiếp, anh cho em xin số điện thoại của anh, hôm nào rảnh vợ chồng em mời anh chị đi ăn tối với chúng em, vợ em gặp
lại người chung trại chắc mừng lắm! Trao đổi số điện thoại rồi chia tay, chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào dịp khác ở Eden
center.   

 ….///….///….///….  

Bữa cơm chiều hôm đó, vợ tôi ít nói hơn mọi ngày. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến cô ấy không vui, tôi cũng lặng lẽ ăn cho xong
bữa, định bụng tối sẽ nói chuyện với cô ấy.
Lên giường ngủ, vợ tôi lại là người lên tiếng trước.

- Chiều nay anh gặp người quen ở trại tỵ nạn, lúc mấy anh nói chuyện, nghe anh ta nói, vợ em trước là vợ thằng B làm trên
bệnh viện. Em lấy làm lạ, chuyện tái hôn là chuyện bình thường, nhưng ở trong trại tỵ nạn người ta biết rõ vợ - chồng cũ
của chồng – vợ mình như vậy sao?
Tôi trả lời :
- Trại tỵ nạn là một xã hội thu nhỏ mỗi câu chuyện cuộc đời, mỗi khác nhau.
Vợ tôi nói:
-  Đồng ý với anh! Nhưng anh là người vô tình khơi gợi nỗi niềm sâu kín ấy, để gợi nhớ cho anh về cô vợ của anh ta, em
nghĩ ở ngoài đời không ai lại có thể thốt ra được những câu nói nhẹ nhàng như không ấy!. Hơn nữa khi nghe anh ta nói em
nghe trong cách nói có điều gì đó như là nó rất nhân từ, rất quân tử.
Tôi thở dài nói:
- Cậu L  ấy có cái rất thật với hiện tại, chấp nhận với quá khứ của vợ mình, đó là tình yêu đích thực!. Có những người, thoạt
nhìn thì ta không bao giờ tưởng họ lại tệ hại đến mức khó chấp nhận được. Nhưng họ lại là những kẻ cơ hội, mượn hoa lượm
bướm , sẵn sàng thỏa mãn cái bản năng của mình và không bao giờ nghĩ đến tai tiếng ở đời; một thoáng không  kềm chế
được bản năng mà quên đi câu nói các cụ dậy mua danh ba vạn, bán danh ba đồng Thằng bạn anh nó nói chí phải. Trong con
người chia đều 50 / 50 nửa là người và nửa là thú thì đã may mắn lắm rồi. Còn người 80 là thú 30 là người, thì cái đầu họ
dẫu to như  quả mít dừa, nhưng óc họ chỉ  như trái nho ta mà thôi!.

Vợ tôi chen vào:
- Em thấy cũng làm lạ, những người cùng ở trại tỵ nạn các anh gặp nhau dù không quen biết ở trại, nhưng khi nói
chuyện thì hỏi ông BT số bao nhiêu? hay ông PST số bao nhiêu? rồi chuyện gì cũng lôi ra kể rôm rả. Nhắc cả những người
còn kẹt lại quê nhà.
Sau bao nhiêu câu chuyện, vợ tôi  kết luận xanh rờn. Công nhận là người tỵ nạn các anh đa số đều có lòng nhân
hậu, nhường parking ngày cuối tuần cho những người ở xa đến  tham quan thành phố mình. Từng này tuổi, chưa bao giờ
em nghe ai nói “vợ em là vợ thằng B hồi trước cả”. Là phụ nữ, với em câu nói ấy chứa đựng sự nhân từ trên tất cả mọi sự
nhân từ anh ạ. Câu chuyện của vợ chồng tôi không chỉ kết thúc bằng những câu chuyện sinh động của những người mang  
PST, của người quen gặp ở trung tâm Eden buổi chiều. Nhưng biết bao nhiêu câu chuyện về trại tỵ nạn mà vợ tôi, một người
vốn chưa từng ở trại tỵ nạn thì chẳng thể nào hiểu được. Chuyện gì đối với cô ta cũng lạ lẫm như những câu chuyện cổ
tích. Tôi còn đang thao thao kể thì đã nghe tiếng vợ thở đều…   

….///….///….///….  

Cố dỗ giấc nhưng không tài nào ngủ được, dời xa trại tỵ nạn đã khá lâu, nhưng mấy hôm nay xem hình ảnh cũ trên trang
web cuả nhóm thân hữu PST tỵ nạn, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày cũ tưởng chừng như chỉ còn trong ký ức
sống lại, đầy ắp, quay quắt tưởng chừng như mới xảy ra ngày hôm qua. Chợt nhớ đến lời phi lộ của Lê Thành trong trang
web thân hũu PST, Thành viết: “trang web PST14-3 được thành lập cho chúng tôi tìm lại nhau… hồi tưởng lại “Những tháng
ngày không mong đợi” nhưng không dễ tìm quên”. Tôi chợt lóe lên ý nghĩ, ngày mai phải kể cho vợ những gì mình biết
về Lê Thành, hắn không chỉ có lòng nhân từ mà còn có cả lòng can đảm, can đảm đứng ra  vác tù và hàng tổng PST.  Ý nghĩ
đó không chỉ làm tôi dỗ được giấc ngủ của mình, mà còn giúp tôi có được giấc mơ tuyệt vời, một giấc mơ thật đẹp về con
người, về quãng đời tỵ nạn.  

PST 3249   WDC Arpil, 2010

                                                          
 Trở về